Bài dự thi đạt giải Nhì chuyên đề Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng
Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn chiến sĩ. Ông sinh năm 1932, quê tỉnh An Giang, tham gia kháng chiến chống Pháp và hoạt động tại chiến trường Nam Bộ. Năm 1954, ông bắt đầu viết văn, với nhiều thể loại như: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim, tác phẩm nào cũng gây ấn tượng cho người đọc và mang đậm màu sắc cuộc sống của con người Nam Bộ trong chiến tranh. Năm 1966, tại chiến trường Nam Bộ, vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mĩ gay go ông đã cho ra đời tác phẩm truyện ngắn Chiếc lược ngà. Một tác phẩm tố cáo tội ác chiến tranh đã làm cha - con, vợ - chồng phải xa nhau để rồi khi trở về đứa con không nhận cha, đến khi nhận ra thì cũng là lúc chia tay.
Thể loại truyện ngắn ít nhân vật, ít tình huống, thời gian, không gian cũng chỉ diễn ra nhất định theo từng hoàn cảnh đã làm nổi lên tình cha con thiêng liêng cao đẹp. Có thể nói câu chuyện mà Chiếc lược ngà đề cập đến đã gây cho người đọc nhiều cảm xúc với nội dung nhẹ nhàng mà thấm đẫm chất nhân văn. Chẳng biết từ bao giờ hình ảnh người lính với gánh nặng quê hương, tổ quốc trên vai đã gắn liền với từng người dân trên đất nước chúng ta. Nhưng chúng ta chỉ mới nhìn thấy hình ảnh những người anh hùng thầm lặng dành vinh quang về cho tổ quốc chứ đã thấy được những nỗi đau của mỗi người lính và người thân của họ. Màu sắc bi tráng với với những tình huống hấp dẫn, kịch tính Nguyễn Quang Sáng đã đem đến cho chúng ta một "Chiếc lược ngà" với những tả thực đời sống của một người lính phải xa vợ xa con những nỗi nhớ da diết vẫn theo ông trên từng trận chiến.
Tháng 9 năm 1966, Nam Bộ mang trên mình những người anh hùng với lòng kiên định quyết đánh thắng Mỹ. Ông Sáu - một cán bộ thời bấy giờ với những ngày phép ít ỏi sau 8 năm ròng rã trên chiến trường chở về thăm vợ con. Tưởng chừng đáp lại lòng thương nhớ của ông Sáu là cảnh con bé chạy vù vào lòng ông ríu rít gọi :"Cha ơi...cha ơi...". Vậy mà đau đớn thay con bé nhất quyết không chịu nhận cha mình vì vết thẹo hằn trên khuôn mặt ông, dấu vết sự tàn khốc của chiến tranh. Vì chấp niệm trong lòng mình nên đến lúc ông Sáu phải lên đường tới căn cứ, bé Thu mới biểu lộ lòng mình với ông. Trở về chiến trường nhưng tâm trí vẫn nhớ như in lời hứa với bé Thu, ông Sáu đã đem hết tình yêu thương ngày ngày làm chiếc lược ngà để tặng cho con vào ngày mình trở về. Nhưng không ai ngờ được nỗi đau lại chồng chéo lên nỗi đau, chưa kịp tận tay trao món quà cho đứa con gái thân yêu thì ông Sáu đã hi sinh nơi bom đạn. Trước lúc trút hơi thở cuối ông vẫn kịp gửi gắm người bạn chiến đấu đem món quà đầu tiên cũng là món quà cuối cùng cho con. Người bạn ấy – ông Ba sau này là một trong những cán bộ được cô giáo liên trẻ dẫn đường – lại chính là bé Thu khi lớn. Chiếc lược ngà đã diễn tả một cách cảm động tình cha con thắm thiết, sâu nặng trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh, của cha con ông Sáu. Qua đó ngợi ca, khẳng định tình cảm cha con thiêng liêng như một giá trị nhân bản, nhân văn sâu sắc. Nguyễn Quang Sáng đã thực sự khéo léo khi xây dựng một cốt truyện chặt chẽ và bất ngờ. Ông cũng rất tinh tế khi lựa chọn ngôi kể, người kể - người đã chứng kiến mọi chuyện tạo tính sinh động cao. Qua tác phẩm này ngoại trừ thông điệp lên án sự thật tàn khốc chiến tranh, em còn đem lòng biết ơn những người anh hùng, chiến sĩ vì lòng yêu nước đã bỏ qua hết thảy những điều quan trọng trong cuộc đời mình. Cảm ơn lòng cao cả của những quân nhân đã đem đến nền hòa bình đất nước.
Tin, bài: Quách Thu Phương, lớp 8A3 trường THCS Thanh Quan