A- A A+

Nhóm Ngữ văn 6 - Trường THCS Ngô Sĩ Liên tích cực đổi mới sinh hoạt chuyên môn

Ngày 27 tháng 3 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó yêu cầu “kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.” Bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở lớp 6 với 3 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Cánh diềuChân trời sáng tạo. Với môn Ngữ văn, vấn đề đặt ra là làm sao để việc dạy học vừa đảm bảo các yêu cầu của chương trình mới vừa phát huy những năng lực, phẩm chất của học sinh (trong đó có các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe). Đi đúng hướng và hiệu quả là một vấn đề vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn ngày càng cần được chú trọng. Ý thức sâu sắc điều đó, bằng tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với nghề, nhóm giáo viên Ngữ văn 6 trường THCS Ngô Sĩ Liên đã đẩy mạnh hoạt động sinh hoạt nhóm chuyên môn với mong muốn giúp việc dạy học của các thành viên trong nhóm đạt kết quả tốt nhất.

Trong vòng 2 tháng kể từ khi năm học mới bắt đầu, nhóm Ngữ văn 6 đã họp và có kế hoạch cụ thể để từng bước triển khai hiệu quả việc dạy học đáp ứng theo yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ thông mới. Một số nội dung sinh hoạt nhóm đã được triển khai như:

1. Trao đổi về cách dạy môn Ngữ văn theo chương trình 2018. Buổi trao đổi, chia sẻ diễn ra sôi nổi dưới sự tổ chức của cô Nguyễn Đức Tâm An -  thành viên Ban thẩm định Chương trình GDPT 2018 môn Ngữ văn, giáo viên dạy minh họa môn Ngữ văn 6, nhóm trưởng nhóm Văn 6. Các thành viên trong nhóm đã trao đổi về cách dạy các văn bản đọc hiểu, thực hành tiếng Việt, dạy viết, dạy nói và nghe cho học sinh. Nhóm cũng làm rõ một số vấn đề liên quan đến cách tổ chức các hoạt động dạy học hiệu quả, các xây dựng Kế hoạch bài dạy sao cho khoa học nhất.

 

 

2. Trao đổi về cách kiểm tra, đánh giá, trong đó tập trung vào vấn đề đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì. Việc đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp. Việc đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức để phục vụ công tác quản lí các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng ở cơ sở giáo dục và phục vụ công tác phát triển CT. Nhóm đã thống nhất xây dựng một bảng kiểm để đánh giá bài viết kể lại trải nghiệm của học sinh.

PHIẾU ĐÁNH GIÁ THEO TIÊU CHÍ

BÀI VIẾT: KỂ LẠI MỘT TRẢI NGHIỆM (thang điểm 5)

TIÊU CHÍ

MỨC ĐỘ

Chưa đạt

Đạt

Tốt

1. Chọn được câu chuyện hay, có ý nghĩa.

Chưa có chuyện để kể (0 điểm)

Có chuyện để kể nhưng chưa hay.

(0.5 điểm)

Có chuyện hay và ấn tượng (1 điểm)

2. Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất

Kể ở ngôi thứ ba

(0 điểm)

Kể ở ngôi thứ nhất nhưng chưa nhất quán từ ngữ xưng hô (0.75 điểm)

Nhất quán từ ngữ xưng hô ở ngôi thứ nhất (1 điểm)

3. Nội dung câu chuyện phong phú hấp dẫn

Nội dung sơ sài, chưa có đủ chi tiết để người nghe hiểu câu chuyện

(0.25-0.5 điểm)

Nội dung có đủ chi tiết để người nghe hiểu câu chuyện (0.75 điểm)

Nội dung câu chuyện phong phú và hấp dẫn

(1 điểm)

4. Câu chuyện có trọng tâm

Kể lể, lan man, không xác định được trọng tâm (0.25 - 0.5 điểm)

Còn có chỗ lan man, dài dòng, có chi tiết thừa, hoặc thiếu thông tin để người đọc hiểu câu chuyện (0.75 điểm)

Tập trung vào sự việc chính, không có chi tiết thừa

(1 điểm)

5. Thể hiện được ấn tượng, cảm xúc của người viết

Không xác định được cảm xúc của người viết (0 điểm)

Có cảm xúc nhưng không rõ hoặc còn gượng, chưa chân thành (0.25 điểm) 

Cảm xúc, thái độ phù hợp, chân thành, thể hiện rõ nét (0.5 điểm)

6. Hình thức, chính tả, diễn đạt

Số lỗi hình thức, chính tả, diễn đạt >10 (0 điểm)

Số lỗi hình thức, chính tả, diễn đạt trong khoảng 4-9 (0.25 điểm)

Số lỗi hình thức, chính tả, diễn đạt <4 (0.5 điểm)

 

3. Đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Bài học được lựa chọn có thể là bài mới hoặc bài đã có trong chương trình cũ nhưng tổ chức hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Kế hoạch bài dạy đọc hiểu văn bản Cô Tô (đáp ứng yêu cầu của chương trình mới) đã được thông qua, dự kiến sẽ triển khai vào thời gian tới theo đúng phân phối chương trình.

Năm đầu tiên thực hiện chương trình mới, dù còn bỡ ngỡ nhưng thầy và trò khối 6 trường THCS Ngô Sĩ Liên nói chung, nhóm giáo viên Ngữ văn 6 nói riêng sẽ luôn đồng lòng, nỗ lực để không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn truyền được cả tình cảm yêu thích văn học và những giá trị nhân văn đẹp đẽ tới các học trò của mình.

Tin bài, ảnh: Thúy Lan - Trường THCS Ngô Sĩ Liên