Thư viện số trường Tiểu học Trần Quốc Toản trân trọng giới thiệu cuốn sách Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa
Nhân dịp kỉ niệm 77 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 75 năm ngày toàn quốc kháng chiến, các bạn học sinh trường Tểu học Trần Quốc Toản đã có rất nhiều những hành động thể hiện tình cảm với các chú bộ đội như chương trình “Những cánh thư vượt sóng” và bạn Vũ Phạm Hải Long học sinh lớp 3E xin được gửi tới các thầy cô và các bạn học sinh cuốn sách về đảo Trường Sa do chính người lính đảo viết nên.
Vậy cuộc sống ở Trường Sa có gì đặc biệt, thiên nhiên nơi ấy thú vị ra sao? Bạn Hải Long sẽ đưa chúng ta vượt qua chặng đường gần năm trăm hải lí đến với trường Sa thông qua ngòi bút của người chiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy trong tác phẩm "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa" được nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2011. Cuốn sách chỉ dày 90 trang, nhưng đọc hết cuốn sách chắc chắn các em sẽ không hề bỏ lỡ điều gì đặc biệt về nơi xa xôi ấy. Chuyến du lịch đặc biệt qua trang sách được chia làm 6 phần chính. Chúng mình cùng bắt đầu cuộc hành trình nhé!
Phần 1: Ra đảo
Hành trình ra đảo Trường Sa không thể thiếu đó là các chú thuỷ thủ là những người vận hành con tàu trong suốt hành trình trên biển.Các em biết không ngoài chú thuyền trưởng chịu trách nhiệm chính, trên tàu còn có các chú: lái tàu, trực boong, thông tin liên lạc, thợ máy, và còn nhiều các chú thuỷ thủ khác. Các chú thuỷ thủ là những người có sức chịu đựng dẻo dai, chịu say sóng tốt để có thể làm nhiệm vụ trên biển dài ngày với điều kiện khắc nghiệt.
Ngoài ra các chú còn có những biệt tài như nhìn mây, ngắm sóng, quan sát bầu trời… để dự đoán thời tiết, phương hướng cho tàu di chuyển đấy.
Một trong những nỗi ám ảnh của người đi biển đó là bị say sóng. Rất ít người có thể vượt qua cửa ải khó khăn này . Để khắc phục điều đó mọi người có thể dùng thuốc chống say, dán keo, xoa dầu hoặc còn có 1 mẹo nhỏ đó là đứng ở giữa trọng tâm của con tàu sẽ bớt say sóng.
Nhưng như thế chúng ta sẽ không khám phá được những điều thú vị trong hành trình đến đảo như được ngắm các chú cá heo bơi lội trên mặt đại dương bao la, các chú cá heo thường xuất hiện nhiều nhất vào buổi bình minh . Loài cá heo rất thông minh là những người bạn thân thuộc với các chú thuỷ thủ, khi thấy các chú cá heo đó là tín hiệu trời yên biển lặng đấy.
Các em không chỉ được ngắm cá heo trên biển mà còn được chiêm ngưỡng loài cá vốn sống ở dưới nước nhưng lại có có thể biết bay trên không trung, loài chim vốn bay trên không trung thì lại có thể đậu trên mặt nước các em có biết đó là loài cá - loài chim gì không? Đó chính là cá Chuồn và chim giỡn sóng đấy, chim giỡn sóng còn có tên khác là chim Hải âu.
Một thú vui nữa vô cùng thú vị trong hành ra đảo đó là câu mực ban đêm. Mực là loài ưa ánh sáng, vì thế các chú thuỷ thủ liền tấn công vào điểm yếu này, chỉ cần 1 bóng đèn neon sẽ được thắp lên và thả xuống mạn tàu. Mực thấy ánh sáng liền bu lại với 1 chiếc móc có nhiều ngạnh như những chiếc lưỡi câu khổng lồ được tung xuống và giật lên những chú mực tươi rói. Vậy là các em có thể được thưởng thức món mực tươi nướng tại chỗ trên biển đêm huyền bí này rồi. Không chỉ có câu mực vào ban đêm đâu nhé các chú thuỷ thuỷ còn câu được rất nhiều các loài cá khác nhưng thật khó mà câu đc các chú cá mập đâu các bạn ạ.
Sau vài ngày lênh đênh trên biển chú cơ trưởng thông báo tàu chuẩn bị cập bến. Đứng trên boong tàu đảo cứ hiện gần và rõ dần hơn…. A đảo kia rồi!
Khi cảm giác say sóng dần biến mất, nhưng khi đặt chân lên đảo bạn sẽ bị cảm giác là say đất liền. Tại sao lại như vậy? chúng mình sẽ tìm hiểu trang 19 của cuốn sách nhé.
Phần 2: Mùa biển lặng
Trên đảo trường Sa có thể chia làm 2 mùa: mùa biển lặng và mùa biển động.
… Sóng mùa biển lặng là đẹp nhất, từng con sóng mơn man bờ cát tung bọt xô bờ cát trắng mướt. Từng ngọn sóng như những ngọn bút tung những nét vẽ đầy ngẫu hứng bền bỉ suốt tháng ngày mang đến sự sinh động cho không gian biển đảo. Nếu như một ngày không có tiếng sóng thì chắc hẳn bờ biển sẽ trở lên đơn điệu đi nhiều lắm…
Phần 3: Mùa biển động
Mùa biển lặng bình yên là thế, đến mùa biển động thì dữ dội vô cùng. Các bạn biết không trong 1 giờ có đủ nắng – mưa – giông – bão.
… Đầu tiên là giông nổi lên, mây đen vần vũ, bầu trời tối đen, rồi tiếp đó mưa rào kéo đến. Mưa ầm ầm như trút nước, sau đó trời nhẹ dần, mây đen bay đi, … cầu vồng xuất hiện …
( Trích: Nắng – Mưa – giông – bão / trang 62)
Điều thú vị là 1 ngày có thể lặp đi lặp lại nhiều lần như thế.
Nắng – mưa – giông – bão thôi chưa đủ. Một hiện tượng nữa của thiên nhiên vô cùng nguy hiểm vì sức mạnh của và tốc độ của nó vô cùng kinh hoàng đó chính là vòi rồng. Dường như không có gì chế ngự được sức mạnh và sự hung bạo của vòi rồng. Nó xoá sổ bất cứ thứ gì khi nó đi ngang qua: một con tàu cỡ lớn trên biển, hay 1 thành phố nhỏ…
Phần 4: Kì thú ở Trường Sa
Mùa biển lặng các bạn được tham quan các kì thú ở nơi đây, các bạn sẽ được lặn thám hiểm dưới đáy biển trường Sa thì không có gì thú vị bằng với chiếc kính lặn và bình oxy là các bạn tha hồ đc mãn nhãn.
Thực vật trên đảo cũng thật thú vị và lạ lẫm như có cây bàng vuông, cây bàng tròn. Cây bàng tròn thì đất liền rất nhiều,
Còn cây bàng vuông là loài cây sống dẻo dai và có khả năng chống chọi kì diệu trước phong ba bão táp. Có lẽ điều làm cho cây bàng vuông trở lên đặc biệt so với các loài cây khác bởi hoa của bang vuông rất đẹp và nó là biểu tượng của cái đẹp ở Trường Sa.
Trên đảo còn có cây phong ba cây bão táp cái tên nghe thật là lạ và dũng mãnh vì nó có sức chóng chọi với nắng mưa gió bão trên đảo và cũng là biểu tượng cho sức sống của nơi quần đảo đầy bão tố này.
Các em biết không mặc dù ngoài đảo xa xôi xung quanh bốn bề là nước mặn nhưng cuộc sống trên đảo không hề thiếu nước ngọt đâu nhé. Đây cũng là một điều lạ kì của thiên nhiên. Chính vì thế các chú bộ đội đã gọi nó là giếng thần, nếu có cơ hội ra đảo Trường Sa bạn nhớ thăm chiếc giếng thần này nhé.
Điều đặc biệt nữa trên đảo đó là ngọn Hải đăng. Các bạn có biết nhiệm vụ của ngọn đèn biển này nhằm mục đích gì không? Chính là định hướng cho cho tàu thuyền đi đúng hướng vào ban đêm. Nên ngọn hải đăng thường được gọi với cái tên trìu mến là “mắt thần của biển”.
Phần 5: Thám hiểm dưới đáy biển Trường Sa
Vào mùa biển lặng các em sẽ được lặn xuống đáy biển Trường Sa được ngắm rất nhiều loài cá đủ chủng loại, sắc màu sặc sỡ.
Các em còn được ngắm những rặng san hô muôn hình dạng màu sắc phong phú vô cùng.
Phần 6: Người giữ đảo
Thiên nhiên khắc nghiệt là thế nhưng những người con của biển đảo Trường Sa luôn giữ vững tinh thần xây dựng bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo. Có thể nói, mỗi hạt cát, viên sỏi trên Quần đảo đều đã thấm đẫm mồ hôi và máu của các thế hệ người con Việt Nam.
Cuốn sách "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa" hiện có trong thư viện trường Tiểu học Trần Quốc Toản, kính mời các thầy cô giáo và các bạn hãy đến thư viện nhà trường để mượn đọc tham khảo, cùng tìm hiểu, khám phá những điều thú vị về mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc này nhé.
Tin, bài: Trường TH Trần Quốc Toản